Tác giả Lê Va
Vợ chồng ông bà Bùi Thị Hiển và Bùi Văn Bính Trong gia đình có 6 người ở bản Mường ấy thì có đến 2 người là goá phụ. Oái oăm thay, trong đó có một goá phụ vẫn con gái. Ngày ngày ra ruộng, lên nương; đêm về, người dâu cả ấy lại chăm lo, nâng giấc cho mẹ chồng và những đứa em chồng.
Năm 1962, tại bản Rộc, xã Nật Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình diễn ra một đám cưới của đôi trai gái Mường Động. Có thể, đám cưới ấy không phải là độc nhất vô nhị thời đó, nhưng phải nói là hiếm…
Bùi Đức Chẩy sinh 1942, là người dân tộc Mường ở xã Nật
Sơn- một căn cứ cách mạng của núi rừng Hoà Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bố Chẩy mất sớm để lại mẹ là Bùi Thị Ẩm đau yếu và 4 anh em, trong đó Chẩy là anh cả, Bùi Văn Kịch là em út mới 4 tuổi. Năm 1962, vừa tròn 20 tuổi, đang là học sinh Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình, Chẩy xung phong lên đường đánh Mỹ.
Để yên lòng người trai chinh chiến, cuối năm ấy, Bùi Thị Hiển 19 tuổi- cô gái Mường cùng xóm đã đồng ý để hai gia đình làm đám cưới khi chú rể đang ở mặt trận. Thế rồi người con gái ấy trở thành dâu cả và trụ cột trong gia đình nhà chồng.
Tháng 02.1963, Hiển và gia đình nhận được tin sét đánh: Chẩy đã anh dũng hy sinh tại trận địa pháo cao xạ Quảng Bình. Ngày tháng đằng đẵng trôi qua. Nhiều khi mải lo việc gia đình, việc hậu phương, Hiển tạm quên cái tin Chẩy đã hy sinh. Nhiều lúc cũng nhớ cái tin buồn ấy, nhưng chị lại hy vọng tin không chính xác. Thời chiến, sự nhầm lẫn là chuyện thường!
Mãi đến năm 1970, giấy báo tử liệt sĩ Bùi Đăng Chẩy mới chính thức gửi về địa phương. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể. Từ đây, bản Rộc mới chính thức có thêm một gia đình liệt sĩ, một mẹ liệt sĩ, một vợ liệt sĩ và 3 người em liệt sĩ. Thế là, trong cái gia đình 6 người ở bản Mường ấy thì có đến 2 người goá phụ. Trong đó có một goá phụ mà vẫn còn con gái. Ngày ngày ra ruộng, lên nương; đêm về, người dâu cả ấy lại chăm lo, nâng giấc cho mẹ chồng và những đứa em chồng.
Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống của người dân nói chung còn thiếu thốn, miền núi càng thiếu, ở cái vùng sâu Nật Sơn thì lại càng nghèo khổ. Nhưng bằng tình thương yêu giữa con người với con người, tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… người dâu cả chưa được một lần làm vợ ấy đã vượt lên tất cả để liên tục được bình bầu danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”.
Cũng là goá phụ, nhưng bà Bùi Thị Ẩm thì đã được làm vợ, làm mẹ của 4 đứa con nên còn niềm an ủi. Nhưng, Hiển – con dâu bà thì vẫn là gái son. Cứ nghĩ đến đấy, bà Ẩm lại xót xa nuốt tiếng thở dài và tránh đi ánh mắt người con dâu hiếu thảo. Không ít lần bà mạnh bạo động viên con dâu, bây giờ đã như con gái của bà, hãy đi lấy chồng. Bà cũng chủ động tìm người, mai mối… nhưng Hiển lại thương mẹ chồng yếu đau, vất vả; thương em chồng đang tuổi ăn, tuổi học, nên một mực xin “mẹ cho con ở với mẹ, với các em”.
Tháng 5 năm 1971, có anh cán bộ là Bùi Văn Bính về xã Nật Sơn làm công tác thu thuế nông nghiệp. Bính quê xã Kim Bình - Kim Bôi lại là bạn học cùng lớp, và cũng sinh năm 1942 như Chẩy. Thời này, cán bộ phong trào thường “ba cùng” với nhân dân. Chẳng bao lâu, Bính đã trở nên thân thiết với bà con Nật Sơn. Sau nhiều lần gặp gỡ, mẹ Ẩm coi anh như con trai. Lần nào cũng vậy, chuyện xa, chuyện gần gì thì cũng đến chuyện lấy vợ cho anh bộ đội chuyển ngành.
Bây giờ, đã xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm”, ông Bính xúc động kể, không ít lần mẹ Ẩm khóc và nói với ông: “Con thương mẹ, thương thằng Chẩy, hãy lấy con dâu mẹ - vợ của bạn con làm vợ, rồi ở đây luôn với mẹ. Hiển nó mang tiếng làm vợ ngần ấy năm mà vẫn còn con gái đấy!”.
Thanh niên miền núi thời ấy, trên dưới ba mươi tuổi mà chưa lấy vợ như Bính là hiếm. Trước tình thương đối với người mẹ, người đồng đội đã hy sinh, người con gái gần 10 năm lấy chồng mà chưa một ngày làm vợ, Bính quyết định đi đến hôn nhân với Hiển. Chỉ có điều, khi đã lấy nhau rồi thì vợ chồng anh không thể ở cùng nhà với mẹ Ẩm và các em được. Vì theo anh: “Cả hai người đều là khách”
Về phía Bùi Thị Hiển, sau gần mười năm làm con mẹ Ẩm, làm chị của 3 đứa em, tình cảm ấy sâu nặng lắm. Trong thâm tâm, chị không muốn rời xa cái gia đình ấy. Nhưng do tác động của gia đình ba bên, Hiển nhận lời lấy Bính. Từ khi có ý định đi bước nữa, những lần mang đồ ra suối giặt, thỉnh thoảng Hiển lại phơi một cái áo, có khi là một cái váy, một chiếc chăn của mình bên nhà mẹ đẻ rồi để lại bên đó. Làm như thế, chính là chị không muốn tạo ra một sự hẫng hụt trong lòng mẹ Ẩm, các em chồng và cũng chính ngay trong cả con người của chị.
Đầu năm 1973, đám cưới Bính - Hiển được tổ chức trong tình cảm thân thương của ba gia đình và bà con làng bản. Trong đó, người hân hoan nhất, hạnh phúc nhất lại chính là mẹ Ẩm. Mẹ hạnh phúc vì đã tìm được hạnh phúc cho người con dâu chịu nhiều thiệt thòi của mình. Từ ngày con dâu đi lấy chồng, mẹ Ẩm như khoẻ ra, trẻ lại. Tuy vợ chồng Bính - Hiển không ở cùng nhà với mẹ, nhưng Bính đã ở lại làm rể Nật Sơn. Họ hàng, gia đình liệt sĩ Bùi Đăng Chẩy coi họ như thành viên trong gia đình, họ tộc. Sớm tối họ thường xuyên qua lại chăm lo cho mẹ Ẩm. Cuối năm ấy, khi đứa con gái đầu lòng của Bính - Hiển ra đời, chính mẹ Ẩm đặt tên cho nó là Nghĩa, Bùi Tình Nghĩa. Từ đó, mẹ Ẩm vừa là bà nội, vừa là bà ngoại lần lượt cho 4 đứa con của vợ chồng Bính - Hiển.
Nếu bạn có dịp về quê hương Nật Sơn, bắt đầu từ cổng làng, trên mé đồi phía bên phải hiện nay là một dãy 4 gia đình ở liền nhau: Bùi Văn Bính, Bùi Thị Phiến, Bùi Văn Bội và Bùi Văn Kịch. Kịch- đứa em út, khi chị Hiển về làm dâu mới 3 tuổi và thường được chị dâu chăm bẵm, nay cũng đã là một sĩ quan công an nghỉ hưu được vài năm. Ông Kịch tâm sự thương anh chị cả lắm, tối lửa tắt đèn họ đều có nhau. Nhưng điều này thì chính ông Bính thổ lộ: “Ngay cái nhà sàn vợ chồng tôi và các cháu đang ở cũng là do chú Kịch giúp tiền mới làm được đấy”.
Hỏi ra mới biết bà Bùi Thị Hiển năm nay cũng đã gần 70 tuổi, làm vợ liệt sĩ, trực tiếp chăm lo mẹ liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cả chục năm trời mà nay không có sự ghi nhận nào. Người viết mang điều này trình lên sở lao động – thương binh xã hội tỉnh hoà bình, rất công bằng là sau đó, bà Hiển đã được xếp vào diện chính sách “Vợ liệt sỉ tái giá”.
Nguồn Tạp chí Đương Thời