Đố nhau cho đời thêm vui
Ngày trước, trong sinh hoạt hàng ngày ở thôn quê, những lúc có dịp tụ tập làm việc nhẹ hay vui chơi, người ta thường hay đố nhau. Đây là một hình thức vừa giải lao, vừa đấu trí, vừa chứng tỏ ta biết nhiều, nhớ nhiều. Đôi khi có vẻ như là một cuộc thi, ai không giải đáp được là thua, thua nhiều đành chịu mắc nợ, lần sau sẽ trả. Thật ra thì kẻ thắng chẳng có phần thưởng gì, ngoài sự thán phục của cộng đồng. Cốt yếu là vui. Niềm vui luôn được trân trọng.
Câu đố là những đoạn văn vần ngắn, phần lớn 2 câu, dùng thể lục bát, một số ít hơn theo lối 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, song thất lục bát, hợp thể, càng cô đọng càng tốt. Thông thường câu đố có 2 phần. Phần đầu miêu tả hình dáng, phần sau nói đến đặc trưng hoặc sự việc, hành động từ đó diễn ra.
Cây khô mọc rễ trên đầu (miêu tả)
Sông sâu không sợ, sợ cầu bắc ngang (sự việc)
Chín vảy, chín vi, chín kỳ, chín con mắt?
Là cái gì đây? Cây khô, không phải cây tươi, không sợ sông sâu, chỉ sợ cầu. À, là cái cột buồm. Rễ trên đầu là những dây buồm được nhìn qua lăng kính cách điệu, tưởng tượng.
Mình vàng mặc áo mã tiên (miêu tả)
Đánh ba hồi mõ gia điền kéo ra (sự việc)
Cái gì nữa vậy. À, con chim gõ kiến có màu lông sặc sỡ, mổ vào tổ kiến trên thân cây, cả họ nhà kiến chạy ra.
Một số câu đố dùng cách nói lái.
Cầm đục, cất đục (cất đục = cục đất)
Tạo khó khăn trong âm điệu để đánh lừa người bị đố:
Lăng quăng lắng quắng lăng quằng trứng
Lăng quăng lắng quắng lăng quằng rừng
(lăng quằng trứng = lưng quần trắng, lăng quằng rừng = lưng quần rằn)
Mình vàng mặc áo mã tiên (miêu tả)
Đánh ba hồi mõ gia điền kéo ra (sự việc)
Một số gọi là câu đố mẹo, không thể quan sát để giải thích được, cần vận dụng trí thông minh suy diễn.
Chín vảy, chín vi, chín kỳ, chín con mắt?
Con gì lạ vậy. Ngẫm nghĩ mãi, à, chín không phải là con số 9. Con cá nướng. Vảy, vi, kỳ, mắt cá... đều chín hết.
Rộng đồng thì gió thổi luôn
Khi vui con chị, khi buồn con em
Là rau muống luộc. Ở Nam Trung bộ, điều gì vượt quá giới hạn nói là “luột sổ, luột làng”, muống và muốn phát âm như nhau. Đã muốn con chị, lại muốn con em, thế là muốn luột sổ, luột làng. Muốn luột cũng phát âm giống như rau muống luộc vậy.
Ai kêu ai hú bên sông
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo
Là cây bạc má, cá bạc má. Con bạc tình với má, theo chồng bỏ mẹ.
Khi đối phương bị “bí”, người đố đưa thêm gợi ý, gọi là “xuất”. Loài cây là xuất mộc, đồ vật là xuất vật... cốt để giới hạn sự suy nghĩ cho nhanh.
Các câu thai bài chòi cũng theo hình thức câu đố.
Đi đâu cọ xiểng đi hoài
Cử nhân không đậu, tú tài cũng không
Là thằng trò. Thi hoài không đậu, học trò vẫn là học trò thôi.
Câu đố phát triển theo bước đi của xã hội. Gần đây nó không còn được truyền khẩu mà chui vào sách báo, đổi mới nội dung. Vì vậy, nhắc lại những câu cũ có thể nhiều người không nghĩ ra.
Cây tươi thiên hạ đồn khô
Không thơm cho lắm cũng nhờ mùi hương
Là ông hương mục, một trong 5 chức hương, cán bộ cấp làng thời quân chủ (ngũ hương). Bây giờ ít người biết.
Thằng đỏ liếm đít thằng đen
Thăng đen không nói, ăn quen liếm hoài.
Nhiều người thích đố tục giảng thanh. Tục và thanh là theo cách nghĩ ngày xưa, gọi đích danh bộ phận ấy, miêu tả rõ việc làm ấy, là tục, càng gần sự thật càng tục. Chắc là bị cấm đoán quá, thiên hạ nổi khùng, phản kháng, nói tục chơi, rồi giảng ra, không tục chút nào, thanh lắm.
Thằng đỏ liếm đít thằng đen
Thăng đen không nói, ăn quen liếm hoài.
Đúng là cái quân lì lợm thượng hạng. Giải ra là bếp lửa. Thằng đỏ là ngọn lửa, thằng đen là nồi niêu ấm trã...
Lỗ của chị
Nọc của tôi
Bằng ngày nằm xuôi
Bằng đêm đút vào lỗ chị
Nọc = cái cọc. Bằng ngày, bằng đêm = ban ngày, ban đêm. Đây là cái chốt cửa. Loại chốt từ trên cắm xuống, hoặc xỏ ngang, ban ngày lấy ra để xuôi bên trên khung cửa, ban đêm đóng cửa.
Mình một tấc, đuôi một thước
Đi một bước nắc một cái
Là cái kim may đã xỏ sợi chỉ. Người may tay đưa mũi kim lên xuống theo đường may.
Trên da thì dưới cũng da
Đút vô ấm áp, rút ra lạnh lùng
Là đôi giày.
Trên nhúc nhích
Dưới nhúc nhích
Trên thì thích
Dưới thì đau
Là chuyện câu cá, trên là người (giật phao),dưới là cá (đớp mồi).
Tay ôm chân quắp
Cái đít lúc lắc
Mắt ngó vô buồng
Là người trèo bẻ cau. Buồng đây là buồng cau, không phải buồng là phòng.
Ăn bằng bụng, ỉa bằng lưng
Đụng đến cặp sừng thì vãi cứt ra
Là cái bào. Khi bào, dăm gỗ trồi lên.
Ông nằm dưới, bà nằm trên
Ông để hớ hênh chảy ra nước đục
Là cối đá xay bột nước.
Mời ông mời bà
Mời chị mời anh
Miệng nói lanh chanh
Hai tay bợ đít
Là khi mời trầu, hai tay bợ hộp trầu.
Phành ra ba góc
Lông mọc đầy lông
Rờ vô bên trong
Trơn tru láng mướt
Là mo nan tre.
Những câu đố tục giảng thanh khi mới nói ra người ta dễ dàng nghĩ ngay đến cái tục trước, cười thầm, rồi từ đó suy tìm cái thanh tương tự, càng thâm thúy nếu ẩn chứa nhiều nét duyên ngầm. Nói vậy chứ ít câu thâm thuý lắm. Đó là những câu cần sự cô đọng, dí dỏm, để được sự đắc ý của nhiều người, lại phải được chọn lọc, thử thách qua thời gian để tồn tại.
Tạp chí Đương thời
Trần Huiền Ân