Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Tam long me tram con

Tấm lòng của mẹ trăm con

Suốt hơn 30 năm nuôi dưỡng và chăm sóc hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, chị Đỗ Thị Hiệp luôn xem các cháu như những đứa con mình “rứt ruột” đẻ ra. Những khi trái gió trở trời, cháu nào bệnh, chị lại lo lắng, đứng ngồi không yên; thao thức suốt đêm chăm bón từng viên thuốc, muỗng cháo. Có cháu trở bệnh nặng, chị chẳng ngại đêm hôm bồng bế chúng đến các cơ sở y tế cấp cứu. Cháu bệnh nặng qua đời là chị khóc sưng cả mắt! Bởi, những đứa con bất hạnh đó là “bản sao” của cuộc đời chị cách đây 50 năm!

Cô Hoa hạnh phúc với công việc
Cút côi từ thuở lọt lòng
Một buổi chiều mùa đông năm 1959, các souer ở Trại Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tân Mai (Biên Hoà) nhận từ một giáo dân tốt bụng bé gái sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Các souer đón nhận và đặt bé tên Đỗ Thị Hiệp.
Theo năm tháng, Hiệp lớn lên trong vòng tay nhân ái của các souer. Lớn lên khoẻ khoắn và ngoan ngoãn, Hiệp được giao chăm sóc đàn em đồng cảnh trong trại. Cô luôn tỏ ra là một cô giáo tháo vát, chăm chỉ và học được ở các souer lòng nhân ái, vị tha. Với Hiệp, tình phụ tử, mẫu tử thì… rất khó hình dung hay cảm nhận. Nhưng tình thương yêu những con người bất hạnh đồng cảnh ngộ đã luôn luôn làm “thăng hoa” trái tim bé bỏng của cô gái côi cút tội nghiệp! Mới 8- 9 tuổi đầu mà Hiệp đã chu toàn, quán xuyến mọi công việc trong trại như một người mẹ. Biết dỗ dành đứa em nào hay khóc, biết ru cho các em ngủ ngon giấc, biết nhường nhịn khi các em “mè nheo”. Cảm động hơn, với trẻ khuyết tật, bại não, sống đời thực vật, thì Hiệp “ý thức” ôm ấp truyền hơi ấm tình người, thì thầm bao lời ru trìu mến cho những tấm thân gầy gò trong vô thức những khi lên cơn động kinh, co giật. Thậm chí đôi khi Hiệp phải khóc thét lên không phải vì ghê sợ mà lo sợ mình lại phải chia tay vĩnh viễn thêm một đứa em, một người thân!
Đến tuổi đi jọc, Hiệp được các souer gửi ra các trường bên ngoài cho theo học hết bậc phổ thông. Đến năm 1976, cô nữ sinh Đỗ Thị Hiệp được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi- khuyết tật tỉnh Đồng Nai để tiếp tục làm nhiệm vụ sưởi ấm những trái tim non nớt lạc loài.

Hơn 30 năm vẫn một tấm lòng
Có thể nói, từ khi trở thành nhân viên biên chế của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi- khuyết tật Đồng Nai, chị Đỗ Thị Hiệp dù đã lập gia đình và có 2 đứa con gái nhưng vẫn luôn là mẹ của bao trẻ bất hạnh. Hạnh phúc của chị là được tiếp tục chia sẻ nỗi đau cùng những con người đồng cảnh. “Trại mồ côi” luôn là đại gia đình của chị. Chị biết và nhớ vanh vách tính nết, tên tuổi từng đứa con, cho dù trong số đó, có không ít cháu đã rời trại, lập gia đình, hoà nhập với cộng đồng…
Đến khu dành chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nặng, dù đã xuống ca trực, chị Hiệp vẫn hay nán lại phụ giúp thêm một vài việc cho đồng nghiệp. Chị hơi vất vả khi tiếp chuyện với chúng tôi. Bởi khi thấy “mẹ Hiệp” xuất hiện thì có đến 4- 5 cháu; đứa bò, đứa đi lẩm đẫm vây quanh chị; đứa bá cổ, đứa sà vào lòng chị. Đứa không di chuyển được thì huơ huơ 2 tay “kêu” chị bồng. Thói quen như đã thành phản xạ, chị Hiệp liền bế một cháu trai nằm giường bên cạnh rồi hôn lấy hôn để lên trán, lên má cháu qua dòng nước mắt. Chị cho biết: “Đứa bé này không ít lần bị bệnh thập tử nhất sinh, cháu bị dị tật không di chuyển được nhưng trí tuệ rất sáng. Cháu bị bỏ rơi lúc mới chào đời”. Rồi chị nói tiếp sự trăn trở của mình trong ngôi nhà tình thương: “Năm 2009 này tôi đã 50 tuổi rồi. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bất hạnh, tôi không bao giờ nề hà. Có điều tôi luôn lo lắng là, những cháu tuy khuyết tật nhưng vẫn còn khả năng lao động, khi hội nhập cộng đồng, qua thực tế thường rất khó xin được việc làm. Đây là nỗi bất hạnh thứ hai trong đời các cháu!”.

Chị Hiệp và những đứa con mồ côi
Theo chân chị Hiệp, chúng tôi đến khu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chậm phát triển. Một cô gái xinh xắn trong bộ blouse trắng đang ngồi “mớm” cơm cho 3 đứa trẻ, vội đứng lên chào. Chị Hiệp giới thiệu: “Đây là cháu Phạm Thị Hoa, 18 tuổi, vốn là trẻ mồ côi, câm điếc bẩm sinh. Cháu đã đến tuổi ra trại để hoà nhập cộng đồng, nhưng vẫn không thể tìm được việc làm nuôi thân! Suốt mười mấy năm nuôi dạy, chăm sóc cháu, tôi biết cháu là người có năng lực, tháo vát, siêng năng. Nhưng khuyết tật của cháu là khó khăn lớn trên đường tìm việc mưu sinh. Tình cảnh cháu khiến lòng tôi ray rứt, không tìm được việc làm, sợ cháu sẽ có những hành động nông nổi rồi lỡ bước sa chân trước cạm bẫy đường đời. Tôi đã chủ động thuyết phục lãnh đạo trung tâm tiếp nhận lại cháu, bố trí cho cháu một việc làm. Hiện cháu rất hạnh phúc với những đứa trẻ của mình”!.
Ông Phạm Văn Huề, giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi- khuyết tật Đồng Nai chia sẻ cùng nỗi lo của chị Hiệp: “Việc những đứa trẻ trưởng thành của trung tâm không tìm được việc làm luôn khiến chúng tôi đau đầu bao nhiêu năm qua. Bản thân trung tâm không giải quyết được gì; chỉ mong các ngành, các cấp và mọi người hãy quan tâm, tạo điều kiện cho các cháu hoà nhập. Riêng ngành Lao Động- thương binh xã hội nên cụ thể hoá hơn việc nhận lao động khuyết tật của các doanh nghiệp trên địa bàn”.
Tạp chí Đương thời
Lê Hoàng

Không có nhận xét nào: