Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Họ trồng người bằng trái tim

Hàng năm cứ đến ngày 20.11 là mỗi người Việt Nam đều hướng về ít nhất một người thầy người cô đã từng dạy dỗ mình, hướng về một ngôi trường thân yêu với bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Và không chỉ những người thầy trong nhà trường, mà còn có cả những bậc thầy ngoài đời thường hay trong làng, nhà chùa, tu viện,… mà mỗi chúng ta từng lĩnh hội kiến thức, lĩnh hội vốn sống, lĩnh hội đạo làm người, cũng có thể đã đùm bọc che chở nuôi dưỡng chúng ta thời niên thiếu gặp trắc trở bất hạnh hoặc lúc chập chững vào đời gian khó. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đầy tính nhân văn ngàn đời của dân tộc.

Sẻ chia (giải khuyến khích Phật giáo với cuộc sống 2007) - ảnh: Nguyễn Á
Giữa lúc còn nhiều vấn đề bất cập về giáo dục mà cả xã hội đang quan tâm, thì có những con người lặng lẽ nói ít làm nhiều, thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng những hành động cụ thể để góp phần đào tạo, giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân có ích cho đất nước trong tương lai. Những bậc thầy lặng lẽ trồng người bằng trái tim ấy trong chuyên đề kỳ này của Đương thời là một cụ đồ 90 tuổi dạy miễn phí cho trẻ bị hỏng kiến thức, một ngư dân mang chữ về đảo Cá, một cô giáo tặng chữ cho các bà các chị vùng cao, một phụ nữ khuyết tật mang chân giả đi tìm chân thật, một nhà giáo- hoạ sĩ trăn trở với sự nghiệp mà mình suốt đời theo đuổi, một chàng trai tài hoa yêu nghệ thuật và yêu cả những đứa trẻ bất hạnh, và cuối cùng là những ký ức xúc động về thầy cũ trường xưa của một nhân vật đã thành danh- nhà giáo, nhà phê bình văn học nổi tiếng Huỳnh Như Phương.