Núi Cấm cõi trời bảng lảng mây sương
Phù Sa Lộc
Phù Sa Lộc
Tạp chí Đương thời
Có thể nói Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và núi Cấm (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) khí hậu gần như nhau. Đến ba nơi này bạn sẽ được tận hưởng không khí thanh sạch, nhất là được hưởng đủ bốn mùa trong một ngày: sáng xuân, trưa hè, xế thu và chiều tối đông. Thật tuyệt vời!Núi Cấm ngoài tên chữ Thiên Cẩm Sơn còn có các tên khác như: Cấm Sơn, Cẩm Sơn, Gấm Sơn, Bạch Hổ Sơn, núi San, núi Than, Phnom Popéal Sama. Đây là ngọn núi cao nhất khu vực Thất Sơn và cả đồng bằng sông Cửu Long. Theo tư liệu cũ thời nhà Nguyễn, núi Cấm cao 705m; vài năm trước, cao 716m và nay cao 760m. Con số mới nhất này là theo cụ Nguyễn Hoàng Thuận (80 tuổi, đang trú tại điện Cửu huyền thất tổ) cho biết do cán bộ địa chất ở Hà Nội vừa mới khảo sát thực địa thông tin. Theo cụ, chuyện núi cao lên là điều đã được ông bà ta nói ngắn gọn là “di sơn đảo hải”. Cụ Thuận vốn là chiến sĩ Trung đoàn Tây Đô, khi hồi kết chuyển về Sư đoàn 330 rồi giải ngũ. Chiếc áo bộ đội còn mới cáu của cụ treo trên móc với rất nhiều huy chương trên hai bên ngực áo. Cụ Thuận nói thêm núi Cấm còn được người tu hành tôn gọi là Kim Thành Nguyệt, có nghĩa “ngôi trời tại thế”, đối lại là Thuỷ Chung Nguyệt (“cặp mắt rồng vàng”) chỉ Hà Tiên- Phú Quốc.
Tượng Phật Di Lặc
Gia Định thành thông chí không thấy ghi tên núi Cấm. Nhưng Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, hoàn thành năm 1882, có ghi rõ từng ngọn núi của Thất Sơn, trong đó có núi Cấm, và đã miêu tả núi như sau: “Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc; lại có những cây giáng hương, tốc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước. Ngó xuống ao hồ; đứng trước đồng ruộng, giữa đồi núi cao… lại có suối nước ở trên lưng núi cuồn cuộn chảy ra… Đường tắt quanh co, có dấu người qua lại(...) Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy”. Trên núi Cấm có nhiều vồ và điện. Vồ là nơi đá nhô ra từ núi ở trên cao. Vồ Bồ Hong cao nhất, 760m; rồi đến vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm, vồ Thiên Tuế. Năm vồ này được gọi là “năm non”. Chính vì vậy mà có cụm từ “năm non bảy núi” để chỉ dãy Thất Sơn huyền bí của vùng biên giới Tây Nam nước ta. Ngoài ra còn có những vồ phụ khác, như: vồ Cây Quế, vồ Chư Thần, vồ Mồ Côi… Riêng điện, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, đây “là nơi núi đá tự nhiên hình thành những dạng thế đặc biệt, trông nhuốm vẻ linh thiêng huyền nhiệm, được sơn nhân đắc dụng làm nơi cúng bái chư vị sơn thần”. Núi Cấm có điện Cửu huyền thất tổ ở độ cao 680m, thấp hơn điện Bồ Hong. Từ điện này, phóng tầm nhìn sẽ thấy điện Bồ Hong cao chót vót với tháp thu phát sóng “chọc trời”. Trên điện Bồ Hong có ba điện nhỏ rất quan trọng với những người hành hương. Đó là các điện: Ngọc hoàng thượng đế, Diêu Trì Thánh mẫu và Cửu huyền trăm họ. Ta thấy có hai điện gần trùng nhau là Cửu huyền trăm họ và Cửu huyền thất tổ. Có tên gọi như vậy bởi đây là nơi tu hành của tín đồ đạo Tứ ân hiếu nghĩa: ơn tổ tiên phụ mẫu, ơn quốc vương thuỷ thổ, ơn tam bảo sư truyền và ơn đồng bào nhân loại.
Lên núi Cấm bây giờ đã khá thoải mái với con đường rộng 6m từ chân núi đến vồ Ong Bướm dài khoảng 10km được tráng nhựa, thảm bê tông với lan can bảo vệ dài bên phía vực sâu. Bạn có thể đi xe chuyên dùng của Lữ hành An Giang, mỗi xe chở 7 khách. Nhờ có xe chuyên dùng mà “xe ôm” của nghiệp đoàn 500 chiếc hoạt động từ nhiều năm qua với giá khá cao nay phải cạnh tranh hạ bằng giá xe chuyên dùng. Được cái xe ôm còn lợi thế cạnh tranh khi đưa khách “rờ tua” với giá “hữu nghị” rẻ hơn chục ngàn đồng. Hơn nữa, đi “xe ôm” bạn được đưa tới tận nơi mình muốn, còn xe chuyên dùng phải lội bộ một đỗi vì bến xe nằm dưới chân dốc lên chùa Phật Lớn. Bạn cũng có thể tự phóng xe gắn máy lên núi. Khi lên, chạy số một; lúc xuống, vô số hai. Đường xuống núi tưởng dễ nhưng không “ngon cơm”. Khi cần ngừng phải bóp thắng bánh trước. Vì, nếu đạp thắng sau như thói quen dưới đồng bằng, khi đó đuôi xe nhổng lên thắng không ăn còn có thể khiến bạn té ngã. Lên núi, xe bạn phải thuộc loại ngon lành, còn bèo bèo thì về nhà phải thay sên, nhông, dĩa, thắng hoặc làm máy lại!
Tháp Cửu Trùng Đài của chùa Vạn Linh
Khu vực chùa Phật Lớn bây giờ nguy nga, tráng lệ với nhiều công trình xây dựng bề thế. Chùa Vạn Linh với Cửu Trùng đài, cao 40m, sừng sững giữa trời mây mà nền là bức bình phong cây rừng xanh thẫm. Đài cao 7 tầng, mỗi tầng có một tượng Phật cỡi mãnh thú cao 2m được chạm khắc bằng đá Thanh Hoá khá tinh xảo. Chùa Vạn Linh được xây dựng lại khang trang. Nhưng hoành tráng nhất có lẽ là tượng Phật Di Lặc. Đây là công trình nghệ thuật tôn giáo cao lớn nhất Đông Nam Á; 33,60m; với kinh phí trên 5 tỉ đồng. Chân bệ tượng mỗi cạnh 30m; cao 6,6m; bên ngoài và trong lòng tầng trệt là thạch nhũ đắp xi măng đẹp mắt, hấp dẫn. Sáu tầng còn lại trong lòng tượng Phật Di Lặc dùng hoạt động Phật sư và là nơi ngủ nghỉ cho khách tham quan. Dưới chân khu Phật đài rộng 8ha là hồ Thuỷ Liêm rộng trên 5,4ha được xây dựng với kinh phí 8 tỉ đồng. Ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt cho 500 dân ấp Thiên Tuế, đây còn là nơi vui chơi giải trí dành cho khách hành hương.
Chính điện chùa Vạn Linh
Đến với núi Cấm, bạn phải đi thêm 3km “đường rừng” nữa lên điện Bồ Hong ngủ chí ít một đêm mới “đã”. Tại đây, bạn cứ ngủ xá trên sạp đông người, 5.000 đồng/người/đêm. Còn ngủ nhà nghỉ Bích Thuỷ (khu chùa Phật Lớn) 50.000 đồng/phòng/đêm và 100.000 đồng/phòng/đêm thì không bằng dù cũng có đủ bốn mùa trong ngày. Tuy nhiên, ngủ ở đâu, bạn cũng không sợ mất cắp đồ đạc. Đường từ nơi tập kết xe ôm lên điện Bồ Hong dài khoảng 500m là dốc đứng khoảng 30 độ, leo từng bậc cấp. Không khí ở đây lúc nào cũng lạnh, ngoại trừ buổi trưa. Những hôm áp thấp nhiệt đới, hoặc những tháng cận Tết Nguyên đán, bất kể giác nào, mây sương mù mịt, có khi cách 5m chẳng nhìn thấy nhau. Đám mây sương ấy lúc lúc nhỏ xuống từng hạt nước lạnh buốt thịt da. Dọc đường đến điện Bồ Hoang, bạn cũng nên thưởng thức bánh xèo. Bánh xèo núi Cấm chỉ đơn giản với nhưn là măng, su, tép rang, tàu hủ chiên, dưa cải… nhưng nổi tiếng nhờ “đại tiệc rau rừng”: kim thất, lá giang, đọt bứa, ngành ngạnh, cát lồi,… ăn thoả thuê với ớt hiểm mẳn tuy trái nhỏ cỡ mút đũa nhưng cay thấu trời và có vị thơm đặc trưng. Bánh chay, bánh mặn, cơm chay hoặc mặn cũng đều rẻ và ngon. Ngon nhất là lúa sóc (srok) do bà con người Khmer trồng ở chân núi, gọi là “lúa ruộng trên”, đặc sản số một của An Giang không phân phướng thuốc trừ sâu. Ăn no, ngủ kỹ là chuyện ai lên tới “cõi trời” này cũng đều được toại nguyện!